Accelerator - Người gắn kết team Nhật Bản và Việt Nam

Accelerator - Người gắn kết team Nhật Bản và Việt Nam

Từ trái qua • Shawn (Chief Operating Officer) • Alice (Accelerator) • Miu (Accelerator)
Accelerator - Người gắn kết team Nhật Bản và Việt Nam

Từ trái qua

  • Alice (Accelerator)
  • Miu (Accelerator)
  • Shawn (Chief Operating Officer)

 

Một vị trí mới, vượt tầm định nghĩa của "Communicator"

Project members và Miu

Project members và Alice

Shawn:

Ở các công ty Offshore hiện tại, ta thường thấy các "Communicator" (IT Comtor) tham gia vào dự án, giữ vai trò là người phiên dịch tài liệu phát triển, hay thông dịch các cuộc hội thoại giữa team Nhật Bản và team Việt Nam. Bản thân tôi, thời điểm khi Money Forward phát triển theo hình thức Offshore tại Hà Nội, cũng đã từng làm việc chung với họ.

Sau, MFV cũng đăng tuyển vị trí Comtor, và người ứng tuyển lúc đó là Miu. Miu đã cho chúng tôi thấy mong muốn làm việc không chỉ dừng lại ở chuyện phiên dịch, thông dịch mà nhiều nhiều những việc khác nữa, và rồi cô ấy đã trở thành người sẵn sàng làm mọi thứ cần thiết để dự án phát triển.

Những người giữ vai trò như cô ấy giúp chúng tôi xác định điểm không rõ ràng khi phiên dịch tài liệu, nhìn vào tiến độ của team rồi phát hiện ra những chỗ/điểm cần hỗ trợ để yêu cầu lên phía trên, hay test sản phẩm đã hoàn thành và đưa ra ý kiến từ quan điểm của một người dùng, như "Chỗ này tuy đúng tài liệu nhưng có vẻ khó sử dụng nhỉ?". Xin nói thêm, MFV đang phát triển theo mô hình Scrum và các bạn trẻ này đã tham gia khóa training cũng như đạt được chứng nhận Scrum Master. Nên nói chính xác hơn thì vai trò của họ ở đây là làm tất cả những điều cần thiết để thúc đẩy dự án, và một trong số đó có việc "Biên dịch/ Thông dịch".

Điều này, rõ ràng vượt qua khái niệm hay phạm vi của một Comtor. Không chỉ dừng lại ở vấn đề giao tiếp trao đổi, mà mang ý nghĩa thúc đẩy dự án, thúc đẩy toàn team nên chúng tôi quyết định gọi họ là "Accelerator". Vốn dĩ, đây không phải một ngành hay một nghề ở Việt Nam, mà là vị trí duy chỉ có ở MFV. Tôi tin rằng sự có mặt của Accelerator chính là yếu tố lớn nhất khiến chúng tôi trở nên khác biệt với các công ty Offshore thông thường khác.

Những thử thách và khác biệt

Miu:

Vị trí trước đây của mình được gọi là "Controller". Bản thân mình nghĩ trách nhiệm của Controller có vẻ nằm giữa vị trí IT Comtor và Accelerator. Mình làm việc truyền đạt yêu cầu mà leader bên phía Nhật Bản đã viết và tóm tắt, cũng như kiểm tra xác nhận về tài liệu và tiến độ. Ở MFV, mình rất vui vì có thể làm công việc chuyên sâu hơn về dự án như tham gia lên kế hoạch, trao đổi tìm hiểu phát triển nghiệp vụ, ý tưởng sản phẩm, vv... nên mình rất vui (cười)

Ở những công ty trước, ý kiến của mình và team không được đề cao mấy, nhưng ở MFV mình thấy ý kiến của mọi người luôn được lắng nghe và trân trọng. Nhờ vậy mà ở đây, mọi người luôn sôi nổi đưa ra suy nghĩ và thảo luận. Thật sự, mình vẫn đang cố gắng mỗi ngày để đóng góp và xây dựng bầu không khí dễ làm việc đó đấy.

Alice:

Công việc trước đây của mình là IT Comtor, nhiệm vụ chính là thông dịch và phiên dịch. Khi phỏng vấn cho vị trí này mình mới biết được ở MFV, Accelerator không chỉ làm việc như một Comtor, mà còn có thể thử thách ở nhiều vai trò khác nhau. Mình nghĩ đây là cơ hội tốt để phát triển bản thân. Đó là lý do mình muốn trở thành một Accelerator!

Trước đây, công việc của mình đa phần chỉ là dịch thôi, nên đã có lúc mình không biết được mình giỏi những gì, mình làm được gì. Nhưng hiện tại, mình đã khám phá được nhiều hơn về năng lực bản thân, song song đó là thử thách bản thân để trưởng thành hơn. Thật ra khi quyết định chuyển việc thì mình cũng đã phân vân rất nhiều. Nhưng nhờ Miu, Shawn và các thành viên trong team, mình đã tự tin hơn và học hỏi được nhiều điều, chính vì vậy mình cảm thấy quyết định khi đó của mình rất đúng đắn.

Shawn:

Tuy nói "chỉ dịch mà thôi" nhưng tôi nghĩ việc dịch thuật như vậy cũng cực kỳ khó luôn đấy chứ (cười). Bởi lẽ, chuyện dịch và truyền đạt lại những điều người khác đã nói, hay những đoạn văn bản chẳng hề đơn giản mà vất vả vô cùng.

Alice:

Do khác biệt văn hóa, đôi khi việc trao đổi, tranh luận về một vấn đề nào đó khiến không khí cuộc họp giữa hai phía Nhật Bản và Việt Nam trở nên khá căng thẳng. Những lúc đó, mình cũng ráng điều chỉnh câu nói để dịu đi bầu không khí, tránh phát sinh các vấn đề cũng như "thêm dầu vào lửa". Nhưng ở MFV, mối quan hệ giữa các thành viên rất tốt, đến nỗi mình không còn quá bận tâm về điều đó nữa.

Thân nhau chưa hehe :D

Shawn:

Ở những công ty Offshore, đôi khi bạn sẽ thấy được sự đối lập giữa hai team Nhật Bản và Việt Nam. Vì lẽ đó, Communicator, người đứng giữa điều hoà hai phía đôi khi cũng cảm thấy kiệt sức. Nhưng, tôi thật sự cảm ơn những cô gái này, vì họ không chỉ giúp cho sự giao tiếp trao đổi của chúng tôi trở nên tốt hơn, mà vẫn luôn nỗ lực để hai phía Nhật Bản và Việt Nam làm việc như một team thật sự.

Điều quan trọng là "Xây dựng bầu không khí"

Miu:

Mỗi ngày, chúng mình làm việc với rất nhiều thành viên, mỗi người một tính cách và suy nghĩ khác nhau. Vì thế chúng mình luôn chú ý lời nói của bản thân, để công việc vừa được trôi chảy mà không ai phải cảm thấy phiền lòng. Tất nhiên, bọn mình cũng bận tâm đến vấn đề truyền đạt đã đúng hay chưa (cười).

Bên cạnh đó, thay vì để Accelerator truyền đạt toàn bộ lời của hai team Việt Nam và Nhật Bản như một Comtor thông thường, chúng mình thường khuyến khích đôi bên tự trao đổi với nhau bằng tiếng Anh. Để được như vậy, nhiệm vụ của bọn mình trong những buổi họp là quan sát lắng nghe tất cả, để khi có thành viên nào gặp trở ngại về ngôn ngữ thì bọn mình có thể đưa ra một vài keyword để các anh chị tiếp tục vấn đề dang dở. Chúng mình mong, tất cả thành viên đều có cơ hội để nói và bày tỏ.

Chia sẻ cá nhân, gần đây, thành viên và các dự án trong công ty đều đang tăng lên, mình cũng ít được trò chuyện với tất cả mọi người. Nhưng, mình thích được chơi được biết về mọi thành viên trong công ty nên đôi khi mình sẽ chủ động bắt chuyện về những vấn đề ngoài công việc như đặt cơm chung chẳng hạn (cười). Có thể do con người mình vậy, nhưng mình nghĩ trọng điểm của Accelerator là lắng nghe không chỉ team của mình mà toàn bộ các thành viên trong công ty, để từ đó cùng nhau cải thiện môi trường làm việc cũng như phương cách làm việc trở nên tốt hơn nữa.

Alice:

Mình làm việc ở MFV chưa đầy hai tháng nên vẫn chưa quen biết hết mọi người. Ban đầu thì mình bắt chuyện với thành viên chung team, chủ đề câu chuyện đôi khi không chỉ là công việc mà cả những chuyện không liên quan đến công việc luôn. Tuy làm việc tại công ty, nhưng mình cũng muốn mọi người có thể xem công ty như một nơi có thể vui vẻ và tận hưởng được. Như vậy thì không khí làm việc trong team sẽ tốt hơn rất nhiều.

Alice giới thiệu về Scrum cho team member

Miu:

Mà, không chỉ bầu không khí, bọn mình cũng muốn hỗ trợ các anh các chị bùng nổ được khả năng tiềm tàng của bản thân. Manager (bọn mình hay gọi là các Bác cho thân thương) thường rất bận rộn với lịch trình dày đặc. Nên đôi khi các Bác không thể trò chuyện và làm việc chung hết với tất cả mọi người. Tương tự cho team Nhật Bản, đôi khi bởi cản trở về địa lý và ngôn ngữ, mọi người không thể biết hết được cá tính cũng như cách mà team Việt Nam đang làm ở MFV. Vì thế, trong quá trình làm việc chúng mình mong muốn có thể chia sẻ với các Bác và phía Nhật Bản những tài năng, điểm mạnh, hay tinh thần của các thành viên, cũng như những tin tốt, kết quả tốt trong ngày. Bọn mình cũng chia sẻ những niềm vui ấy giữa các Accelerator với nhau vào mỗi buổi họp team đó.

Shawn:

Đây là một điểm tôi muốn chia sẻ về các Accelerator. Thật sự, các Manager luôn mong muốn hiểu nhiều hơn về mỗi một thành viên trong công ty để có có cái nhìn công minh hơn với những gì các bạn đã đóng góp. Nhưng rất tiếc ở thời điểm hiện tại, khả năng làm việc đó của chúng tôi rất hạn chế. Nhờ có sự chia sẻ của họ, chúng tôi có thể biết được về những tin tốt hay các kết quả tốt do công sức của từng thành viên, để gửi lời cảm ơn cũng như tìm ra phương hướng phát triển hơn nữa cho các bạn. Tôi nghĩ tạo ra động lực làm việc của từng thành viên rất rất quan trọng, nên chúng tôi rất mong có thể thay đổi chế độ công ty để hiểu các bạn hơn nữa và tăng thêm niềm tin giữa hai bên.

Điều tuyệt vời của Money Forward Việt Nam, đó là tất cả có thể trở thành một Team vượt ra khỏi mọi biên giới

Alice:

MFV hoàn toàn khác với hình ảnh "công ty Nhật" mà mọi người thường nghĩ tới. Những công ty Nhật khác, theo mình, có vẻ hơi nghiêm khắc hơn ở đây một chút :D. Thực tế, các Engineer biết tiếng Nhật không nhiều, hầu hết không thể giao tiếp trực tiếp với phía bên kia. Những lúc muốn trao đổi gì cần thông qua IT Comtor, kết quả là vô tình tạo ra một khoảng cách giữa hai bên, dẫn đến mối quan hệ chỉ dừng lại ở mức đồng nghiệp thông thường. Nhưng MFV không như vậy. Ngôn ngữ công ty sử dụng là tiếng Anh, nhờ đó tất cả thành viên đều có thể liên lạc trực tiếp với phía Nhật Bản, điều này giúp cho công việc tiến triển nhanh chóng và thuận lợi hơn. Công việc của tụi mình một phần cũng là IT Comtor, cũng là cầu nối cho hai bên. Chính vì vậy mình muốn giúp cho mọi người có thể cảm nhận tinh thần "One Team" nhiều nhất có thể. Không còn mối quan hệ khách hàng và team, mà tất cả là "One Team". Mình nghĩ đây chính là điểm nổi bật của MFV so với những công ty khác.

Shawn:

Một câu chuyện khác nữa, trước đây khi các đồng nghiệp Nhật Bản ghé thăm MFV, Alice đã thực hiện một buổi giải thích về Scrum và cho mọi người trong team chơi một vài trò chơi nhỏ. Qua những trò chơi đó, cô ấy đã cho các Engineer phía Việt Nam trải nghiệm việc lên dự án để thấu hiểu được "sự khó khăn khi viết tài liệu", và cho các thành viên người Nhật trở thành kỹ sư để thấu hiểu "sự khó khăn khi phát triển sản phẩm". Tôi (và các thành viên) nghĩ đây là một trải nghiệm giúp cho chúng tôi có cái nhìn thấu đáo hơn về vị trí của nhau để từ đó hiểu và hỗ trợ, làm việc với nhau như một team hơn nữa.

Miu:

Mình cũng nghĩ MFV rất mới mẻ so với các công ty mình đã tham gia tính đến thời điểm hiện tại (cười). Ngay từ lúc phỏng vấn, tất cả các Bác đã chia sẻ với mình rất nhiều thứ dù chưa biết mình có tham gia hay chưa. Đến hiện tại, mình rất cảm ơn công ty vì mỗi ngày mỗi chúng mình đều có thể dễ dàng trao đổi thảo luận với các Bác, nhất là khi có vấn đề các Bác sẵn sàng đứng ra hỗ trợ lắng nghe đề xuất mà chúng mình đưa lên.

Hơn thế, bộ phận Offshore bên công ty cũ của mình, hầu như chỉ họp mặt tất cả thành viên một tuần một lần. Còn MFV, với mong muốn cả team đều là một với bất kể ngôn ngữ, nên luôn có buổi trao đổi đầu giờ mỗi ngày để hỏi và nắm bắt các vấn đề của nhau (nhiều khi mình thấy hỏi nhiều quá cũng tội mấy Bác lắm nhưng biết sao giờ). Khi có dự án mới, tụi mình có truyền thống làm Kickoff, các thành viên team Nhật Bản cũng bay sang Việt Nam rồi tụi mình cùng nhau đi ăn, đi tham quan, thảo luận mặt đối mặt, và mình nghĩ nhờ đó mà mối quan hệ trong công việc giữa bọn mình ngày càng khắng khít hơn.

Shawn:

Khi đồng nghiệp Nhật Bản đến MFV, chúng tôi tổ chức nhiều buổi họp để bàn bạc và phân chia công việc. Những câu chuyện chỉ đâu đó xoay quanh công việc chúng tôi làm hàng ngày: Kỹ thuật cái này làm thế nào? Tính năng này khi phát triển có gặp khó khăn gì không? Thỉnh thoảng, chúng tôi cảm nhận rõ rằng những thành viên trong team không tìm được tiếng nói chung, khiến cho việc thảo luận trở nên khó khăn. Nhưng chúng tôi tin rằng, đó không phải điểm trừ. Ngược lại, nhờ có những buổi thảo luận đó, chúng tôi được nói, được đưa quan điểm để hiểu nhau hơn và giúp gắn kết giữa các thành viên.

Miu:

Ở những công ty Offshore của Nhật, thường thì việc truy cập, đặc biệt là truy cập vào Database từ phía Việt Nam sẽ bị hạn chế. Do đó, khi xảy ra vấn đề, cả hai phía phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết. Tuy nhiên, ở MFV, tụi mình không hề gặp phải vấn đề này nhờ vào team SRE (Site Reliability Engineer). Ban đầu, MFV vẫn chưa có team SRE ở Việt Nam. Nhưng sau đó, để tránh những vấn đề không mong muốn như mình vừa đề cập, công ty đã đi đến quyết định quan trọng, đó là thành lập team SRE ngay tại Việt Nam.

Shawn:

Hiện tại, team SRE ở Việt Nam bao gồm các thành viên rất tài năng và nhiệt huyết (một trong số họ vốn là kỹ sư BackEnd nhưng có hứng thú và đã chuyển sang team SRE). Thời điểm mới xây dựng team, một thành viên phía team Nhật Bản đã sang làm việc tại MFV và giúp chúng tôi lên danh sách những gì cần làm cũng như hỗ trợ liên lạc với team Nhật Bản để công việc chạy dễ dàng hơn. Nếu là mô hình Offshore, thông thường môi trường production sẽ được đặt tại Nhật Bản, nên hiếm khi nào team Việt Nam phải chú trọng đến vấn đề này. Do đó chúng tôi nghĩ rằng việc xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng tại MFV có thể xem là một thử thách lớn cho MFV, nhưng nếu không chấp nhận thách thức này có lẽ chúng tôi mãi chỉ là một công ty Offshore mà thôi. Chính vì vậy, tất cả chúng tôi đều nhất trí xem đây là một bước ngoặt quan trọng và cần thiết cho tất cả mọi người.

Miu:

Cuối cùng, chúng mình có một lời gửi gắm đến tất cả các bạn rằng, mỗi ngày dù là việc gì đi chăng nữa cũng có thể xảy ra những vấn đề nằm ngoài dự tính và tất cả đều phải cân nhắc làm sao để giải quyết. Ở MFV, chúng mình xem đó là niềm vui và tận hưởng nó. Vì chính nhờ những lúc như thế, mà chúng mình có thể thắt chặt đại gia đình MFV này. MFV luôn hân hoan chào đón các bạn, đừng ngần ngại và hãy tham gia cùng với chúng mình nhé! Let‘s make it together!!

 

Author: Matilda

Translator: Alice, Miu

 

More like this

Money Forward Vietnam Received Prestigious Certification “Great Place To Work” In 2024
Aug 07, 2024

Money Forward Vietnam Received Prestigious Certification “Great Place To Work” In 2024